Bạn gặp một người bạn cũ thời phổ thông và không thể nhớ ra tên của
người ấy? Bạn không thể nhớ cái lần đầu tiên nắm tay người yêu khi bất
ngờ bị cô ấy hỏi khó? Những tình huống "hay quên" khó xử trên đều do một
phân tử trong não có tên PKMzeta gây ra và mức độ hoạt động của phân tử
này sẽ quyết định trí nhớ của bạn. Đây là kết quả của nghiên cứu mới
nhất do Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) thực hiện.
Nghiên
cứu được thực hiện trên đối tượng thí nghiệm là chuột. Trong đó, trí nhớ
của chuột có thể được tăng cường hay thậm chí xóa đi nhờ vào sự kích
thích hoạt động của enzyme não PKMzeta. Để điều khiển lượng enzyme này,
nhóm nghiên cứu tiêm một vi rút gây nhiễm trùng phần vỏ não có PKMzeta
và nhận thấy có sự gia tăng khả năng nhớ của chuột. Sau đó, nhóm đảo
ngược quá trình với việc tiêm enzyme ở thể đột biến thụ động vào phần
não đó để thử nghiệm khả năng xóa trí nhớ. Kết quả không nằm ngoài dự
đoán, trí nhớ chuột bị giảm sút.
Trước đây, một nghiên cứu khác thử nghiệm trên chuột cũng do NIH cấp vốn
đã chỉ ra rằng một chất tăng trưởng giống insulin (IGF-II) có tác động
rất lớn đến khả năng lưu nỗi sợ của chuột khi chất này được tiêm đều đặn
vào khu vực trí nhớ của nó. Tuy nhiên, PKMzeta khác ở chỗ chất này hoạt
động liên tục, và tác động lên nhiều loại ký ức khác nhau tại một vùng
nhất định của não. Điều này đặt ra khả năng trong tương lai khi con
người có thể nhắm đến một số vùng ký ức cụ thể mà họ muốn phục hồi. "Cơ
chế quan trọng này có thể trở thành trọng tâm nghiên cứu của các nhà
khoa học trong việc điều trị những chứng bệnh như rối loạn trí nhớ do
stress, do tuổi già", giám đốc NIH Thomas R. Insel cho biết.