Sau đây là nội dung chủ yếu của các kết luận chính của công trình
nghiên cứu của EPIA do công ty tư vấn chiến lược AT Kearney thực hiện.
Công trình nghiên cứu kéo dài trong 8 tháng này mang tên Mục tiêu năm
2020, ngoài phần đóng góp về chuyên môn của EPIA và mạng toàn cầu của
AT Kearney, là dựa vào gần 100 cuộc phỏng vấn thực hiện trên khắp châu
Âu với các đại diện của ngành pin mặt trời, cộng đồng các nhà nghiên
cứu, các cơ quan chính phủ, các cơ quan điều tiết và các công ty điện
lực. Công trình nghiên cứu này sâu rộng hơn so với các nghiên cứu khác
đã thực hiện về tương lai của quang điện.
Hòn đá tảng của chế độ sử dụng năng lượng trong tương lai
Mặt
trời là nguồn năng lượng có thể coi là vô tận, mỗi năm cung cấp cho
các châu lục nhiều gấp khoảng 2.000 lần năng lượng loài người tiêu thụ
trong một năm. Tiềm năng của quang điện để khai thác năng lượng đó cũng
rất lớn, hầu như không bị hạn chế về vật liệu cơ sở và tích hợp môi
trường. Ngoài ra, với "thời gian hoàn vốn năng lượng” cỡ 1 - 2 năm và
tuổi thọ kinh tế trên 25 năm, pin mặt trời thuộc số các công nghệ sản
xuất điện có dấu ấn tốt nhất về môi trường.
Một trong những khía cạnh lưu ý nhất của pin mặt trời là bản chất
phân tán, quy mô linh hoạt, từ cỡ 1 MW đến hàng nghìn kW. Pin mặt trời
có thể sử dụng cho nhà máy điện tập trung, nhưng đồng thời lại là công
nghệ năng lượng tái tạo duy nhất có thể tích hợp hoàn hảo trong môi
trường đô thị dân cư đông đúc. Đây là một đặc điểm cơ bản của công nghệ
pin mặt trời khi mà hiện nay các thành phố lớn, một nguồn phát thải
chủ yếu khí nhà kính, lại là nơi tập trung sinh sống của trên 50% dân
số thế giới.
Pin mặt trời sẽ đóng vai trò quan trọng trong các tòa nhà ít tiêu
thụ năng lượng, các tòa nhà mà dần dà trong tương lai sẽ không tiêu thụ
năng lượng từ bên ngoài nữa, nghĩa là chúng sẽ tự sản xuất năng lượng
nhiều hơn tiêu thụ và sẽ ngày càng tích hợp pin mặt trời trong kết cấu.
Cuối cùng, pin mặt trời đã chứng tỏ khả năng phát triển mạnh mẽ. Năm
2009, chỉ riêng ở châu Âu đã xây dựng nhiều hệ thống pin mặt trời với
tổng công suất đỉnh hơn 4,5 triệu kW, tức là trên 19% tổng công suất
đặt mới ở châu Âu.
Với tiềm năng và lộ trình giảm giá được nhận diện rõ ràng, giá pin
mặt trời đã và sẽ hạ xuống nhanh trong thập niên tới và cả sau đó nữa.
Theo dự kiến, đến năm 2020, giá pin mặt trời sẽ giảm tới 60% so với mức
giá hiện nay.
Trong khi giá điện được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn dưới
sức ép của giá nhiên liệu hóa thạch đang tăng cao và biến động hết sức
thất thường, điện năng từ pin mặt trời sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh
hơn, giá thành sản xuất điện dự kiến sẽ thấp hơn 0,1 euro/kWh đối với
các hệ thống lớn và thấp hơn 0,15 euro/kWh đối với các hệ thống lắp
trên mái nhà các hộ gia đình.
Điều đó sẽ khiến pin mặt trời đến năm 2020 sẽ là nguồn điện có sức
cạnh tranh cao ở châu Âu trong tất cả các khu vực nhà ở, thương mại và
công nghiệp.
Quan điểm mới về sản xuất và tiêu thụ điện năng
EPIA đã phân tích ba kịch bản khả dĩ về tương lai của pin mặt trời
tại châu Âu. Theo kịch bản cơ sở (giữ nguyên hiện trạng) và kịch bản
tăng tốc, pin mặt trời sẽ cung cấp tương ứng tới 4% và 6% nhu cầu điện
năng của EU vào năm 2020. Điều đáng quan tâm hơn là nghiên cứu này
chứng minh rằng, với điều kiện đáp ứng một số điều kiện biên, pin mặt
trời có thể cung cấp tới 12% nhu cầu điện năng của EU vào năm 2020 (xem
Hình vẽ). Kịch bản mang tên "Tư tưởng đổi mới” (Paradigm Shift) không
chỉ là rất đáng mong đợi, đồng thời cũng là khả thi. Tuy nhiên kịch bản
về mức độ thâm nhập cao đòi hỏi một số thay đổi trong các điều kiện
khung.
Để một nguồn điện biến động (công suất pin mặt trời phụ thuộc vào
cường độ bức xạ mặt trời) và gián đoạn (pin mặt trời không sản xuất
điện vào ban đêm) có thể đạt được mức độ thâm nhập cao, hệ thống điện
sẽ phải linh hoạt hơn. Phải có sự chuyển đổi nhanh từ lưới điện công
suất tập trung, chỉ truyền theo một hướng, sang lưới điện phân tán, đa
hướng và thông minh, có khả năng truyền tải và điều độ các trào lưu
công suất điện từ nơi sản xuất thừa điện đến nơi mà nhu cầu điện năng
vượt quá sản xuất. Sẽ cần đến mạng thông minh, đo lường điện năng ròng,
biểu giá điện linh hoạt, tích trữ điện năng tập trung và phân tán, và
một sự kết hợp thông minh hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau.
Các kịch bản về tương lai ngành pin mặt trời ở châu Âu đến năm 2020
Hơn nữa, mối quan hệ cơ bản của chúng ta đối với năng lượng sẽ
chuyển dịch dần tới một hệ thống mà ở đó, mỗi công dân sẽ là nhà sản
xuất đồng thời lại là người tiêu thụ điện trong một chế độ điện năng
hết sức phi tập trung, năng động, cộng tác và dân chủ.
Hỗ trợ mạnh về chính sách chính là đầu tư
Trong giai đoạn tạm thời trước cạnh tranh của pin mặt trời (từ 2 năm
đối với các khu vực Nam Âu tới khoảng 9 năm đối với các nước Bắc Âu),
một khuôn khổ chính sách mạnh sẽ là cần thiết để hỗ trợ triển khai công
nghệ và cho phép giảm giá nhanh chóng nhờ mở rộng qui mô.
Một sự hỗ trợ rõ ràng và được thiết kế tốt về chính sách sẽ là cần
thiết để đảm bảo một khuôn khổ đầu tư hấp dẫn và tiên đoán trước được,
cho phép ngành công nghiệp pin mặt trời phát triển nhanh và bền vững,
đạt tới mức đủ sức cạnh tranh. Sau khi đã đạt tới mức này, có thể có
thể giảm dần các phương thức hỗ trợ.
Thế nhưng vì sao các cơ quan chức năng nhà nước lại phải thúc đẩy
trong một khoảng thời gian nào đó công nghệ pin mặt trời? Ngoài việc
ngăn chặn một cách hiệu quả nguy cơ thay đổi khí hậu toàn cầu (nếu pin
mặt trời đóng góp được 12% sản lượng điện năng ở châu Âu vào năm 2020
thì sẽ cắt giảm được trên 200 triệu tấn phát thải CO2 mỗi năm), pin mặt
trời sẽ giúp giảm nhẹ đáng kể sự phụ thuộc của Liên hiệp châu Âu (EU)
vào nhiên liệu (dự kiến tới năm 2020, EU sẽ phụ thuộc tới gần 70% vào
nhiên liệu nhập khẩu).
Một phân tích kinh tế vĩ mô về tác động của việc triển khai quyết
liệt pin mặt trời ở cấp toàn EU cho thấy rằng, ngoài việc cắt giảm khí
nhà kính và tổn thất điện năng, pin mặt trời còn đảm bảo hạn chế được
biến động giá kiểu nhẩy vọt của nhiên liệu. Đầu tư vào các hệ thống pin
mặt trời cho phép "chốt” giá điện trong suốt tuổi thọ kinh tế của hệ
thống nguồn điện này (ít nhất là trong 25 năm), do đó đảm bảo tránh
được tác động của việc nhập khẩu khối lượng lớn nhiên liệu hóa thạch
với giá ngày càng cao và hết sức biến động trong cùng khoảng thời gian
này. Sự bảo vệ như vậy có giá trị kinh tế xét về quan điểm ý nghĩa rào
cản nói trên.
Phân tích trên chỉ ra rằng việc thúc đẩy triển khai pin mặt trời để
đạt 12% nhu cầu điện cho EU vào năm 2020 đòi hỏi khoản đầu tư khoảng
235 tỷ euro (giá trị ròng qui về hiện tại của hệ thống hỗ trợ trong
suốt giai đoạn hỗ trợ đó), chỉ bằng 2,2% tổng số hóa đơn tiền điện ước
tính ở châu Âu. Khoản đầu tư đó sẽ đem lại lợi nhuận ròng khổng lồ cỡ
từ 190 đến 290 tỷ euro cho toàn xã hội.
Vai trò then chốt của các nhà lập chính sách
Công trình Mục tiêu năm 2020 chỉ ra rằng hỗ trợ để pin mặt trời thâm
nhập sâu có ý nghĩa rất lớn về môi trường, xã hội và kinh tế. Các nhà
lập chính sách sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc xác lập các điều
kiện biên để triển khai nhanh và liên tục các nguồn năng lượng tái tạo,
đặc biệt là pin mặt trời.
Họ cần có tầm nhìn chính trị và tham vọng
xây dựng một chế độ năng lượng xanh hơn bằng việc xác lập một môi
trường minh bạch, có thể tiên đoán, ổn định và bền vững, kích thích đầu
tư vào các công nghệ của tương lai. Họ cần có sự quyết tâm tạo ra các
điều kiện pháp chế để có thể nhanh chóng chuyển từ một cơ sở hạ tầng
ngành điện cố định, bất di bất dịch, chỉ theo một chiều và tập trung
của chúng ta hiện nay sang một chế độ năng lượng phân tán, năng động,
cộng tác và dân chủ, ở đó các công dân, giống như họ đang làm với thông
tin hiện nay, sẽ sản xuất, trao đổi và tiêu thụ năng lượng một cách
năng động, tương tác.
Pin mặt trời đã sẵn sàng để trở thành tâm điểm của tương lai năng lượng của chúng ta.
Theo icon.evn.com.vn